Dọn dẹp nhà cửa cùng phương pháp KonMari

KonMari – Phương pháp dọn dẹp nhà cửa và sắp xếp mọi thứ được sáng tạo bởi Marie Kondo – Một chuyên gia tư vấn về sắp xếp nổi tiếng người Nhật.

Tại sao mình chọn phương pháp dọn dẹp nhà cửa KonMari?

Marie Kondo là chủ nhân của bộ sách bán chạy với hàng chục triệu lượt bán ra trên toàn thế giới về thay đổi lối sống cá nhân thông qua việc dọn dẹp.

Dọn dẹp nhà cửa cùng phương pháp KonMari
Dọn dẹp nhà cửa cùng phương pháp KonMari

Netflix từng có series thực tế riêng mang tên “Dọn nhà cùng Marie Kondo” khiến hàng triệu người phát cuồng, làm theo và công nhận mức độ hiệu quả cao của phương pháp này.

Sau khi đọc kỹ, xem nhiều và thử mày mò áp dụng, mình nhận thấy thực hành theo phương pháp KonMari không hề khó, nhưng lại cần nhiều thời gian và sự kiên nhẫn lâu dài.

Vì dọn dẹp không phải là công việc fulltime hay bắt buộc phải làm của tất cả mọi người. Mình và nhiều người khác lựa chọn dọn dẹp vì mong muốn tạo ra một cuộc sống chất lượng hơn mỗi ngày. Cho nên cứ từ từ làm cũng được, mỗi ngày làm một ít cũng được, lâu lâu mới dọn cũng chẳng sao. Nhưng quá trình thực hiện nó, hẳn là nhiều người sẽ thực sự “enjoy” với cách làm này đấy.

Let’s go!!

6 quy tắc cơ bản bạn cần biết để thực hành phương pháp KonMari

Quy tắc 1: Cam kết cho việc dọn dẹp nhà cửa:

6 quy tắc cần biết để bắt đầu dọn dẹp nhà cửa cùng phương pháp KonMari
6 quy tắc cần biết để bắt đầu dọn dẹp nhà cửa cùng phương pháp KonMari

Cũng như việc bạn tập trung tối đa vào một công việc kể từ khi lên kế hoạch đến lúc lập các báo cáo chỉ số đánh giá mức độ thành công của chiến dịch, bạn mới thực sự biết được mình đã nhận được gì.

Vậy nên, đặt ra ý định dọn dẹp và quyết định thực hành theo nó một cách nghiêm túc. Thực sự dành thời gian và nỗ lực tối đa chính là quy tắc dọn dẹp đầu tiên của phương pháp KonMari.

Tất nhiên là chúng ta có thừa thời gian để muốn thực hiện lúc nào cũng được. Nhưng một khi bạn có đủ năng lượng và động lực để hoàn tất việc dọn dẹp chỉ trong một lần, bạn mới thực sự thấy được thành quả của nó.

Quy tắc 2: Tưởng tượng lối sống lý tưởng của bạn:

Đặt bản thân vào tình huống hoàn thành dự án này xong bạn sẽ có tiền thưởng. Thưởng nhiều hay ít là phụ thuộc vào nỗ lực của bạn và đồng đội. Thì việc dọn dẹp cũng cần có một mục tiêu cuối cùng, ở đây chính là cải thiện chất lượng cuộc sống của chính bạn và gia đình.

Kết quả có thể không hoàn toàn như mong đợi, hoặc ngược lại là vượt qua cả kỳ vọng ban đầu, miễn là bạn phải có một hình mẫu trong đầu. Viết chúng vào cuốn sổ, vẽ phác thảo ra giấy, hay chụp lại một mẫu sẵn có…đều được.

Khi có một hình mẫu nhất định, bạn mới làm rõ được lý do thực sự tại sao bạn cần dọn dẹp ngay bây giờ.

Quy tắc 3: Loại bỏ những thứ không cần thiết trước khi bắt đầu việc sắp xếp:

Loại bỏ hết những đồ dùng, quần áo mà bạn không dùng đến
Loại bỏ hết những đồ dùng, quần áo mà bạn không dùng đến

Sở hữu quá nhiều thứ nhưng lại không sử dụng đến thường xuyên hoặc cất vào góc trong thời gian dài là một biểu hiện của sự lãng phí.

Nếu bạn thực sự nghiêm túc và muốn tối ưu hoá không gian sống của mình, bạn sẽ bị sốc sau khi lựa chọn loại bỏ hay giữ lại những đồ dùng gì. Vì con số 30-50% là sự thật về lượng đồ mà bạn sẽ bỏ đi.

Chỉ giữ lại những thứ thật sự cần thiết và thích hợp trong thời điểm hiện tại, đó chính là bước đầu nâng cấp chất lượng cuộc sống cho bạn và gia đình.

Quy tắc 4: Tuân theo danh mục, không phải vị trí:

Mọi người thường dọn nhà theo từng khu vực, vậy nên nhiều đồ dùng rõ ràng có thể chỉ đặt tại một nơi, nhưng lại có tới 2-4 nơi để đựng. Vậy nên nếu dọn dẹp theo khu vực, bạn sẽ lặp đi lặp lại việc dọn những đồ vật tương tự nhau nhiều lần.

⇒ Chẳng những không nắm rõ được số lượng mình có, mà còn luôn mắc kẹt trong chu kỳ dọn dẹp chẳng bao giờ kết thúc.

Quy tắc 5: Bắt đầu với thứ tự nhất định của phương pháp KonMari

Thứ tự sắp xếp đồ dùng theo phương pháp KonMari
Thứ tự sắp xếp đồ dùng theo phương pháp KonMari

Thứ tự này là:

  • Bắt đầu với việc dọn dẹp Quần áo
  • Sách vở
  • Giấy tờ
  • Komono (thiết bị, dụng cụ gia đình)
  • Đồ lưu niệm (những vật dụng mang yếu tố tình cảm)

Mình không biết lý do tại sao Kondo Marie sắp xếp việc dọn dẹp theo thứ tự này, nhưng mình nghĩ rằng: chắc quần áo là món đồ thường chiếm nhiều diện tích nhất, vậy nên sau khi dọn dẹp quần áo, chúng ta dễ dàng thấy rõ hiệu quả, rồi có thêm động lực để tiếp tục việc dọn dẹp chăng??

Quy tắc 6: Hãy tự hỏi liệu dọn dẹp nhà cửa có mang lại niềm vui cho bạn không?

Như mình đã nói: “Dọn dẹp không phải là công việc fulltime hay bắt buộc phải làm của tất cả mọi người. Mình và nhiều người khác lựa chọn dọn dẹp vì mong muốn tạo ra một cuộc sống chất lượng hơn mỗi ngày”.

Việc dọn dẹp nhà cửa có mang lại cho bạn niềm vui?
Việc dọn dẹp nhà cửa có mang lại cho bạn niềm vui?

Đối với mình, mình thật sự tập trung năng lượng mỗi khi dọn dẹp nhà cửa, góc làm việc… chỉ cần bật nhạc rồi tay chân cứ thoăn thoắt mà làm thôi. Và khi mình ngồi giữa một căn nhà mát mẻ, nằm trên chiếc giường đã lăn sạch bụi, mở tủ quần áo rồi biết ngay mình có thể chọn gì để mặc…mình biết chắc rằng cuộc sống của mình rõ ràng đã có sự thay đổi. Trước khi làm thì lười, nhưng làm rồi thì thật sự là chẳng uổng công chút nào.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Home